Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Nghè Trần Khánh Dư ở Quan Lạn

Tài danh, công lao của Đức Thánh Trần Khánh Dư rất sâu đậm trong đời sống tinh thần của cư dân xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Ông là vị thần bảo trợ, là một phần hương hoả tinh thần của cư dân vùng biển ở đây...

< Nghè nhìn từ ngoài cổng.

Khi cộng đồng cư dân làng đảo Quan Lạn còn ở Cái Làng, họ cũng đã dựng nghè để thờ Trần Khánh Dư. Dấu vết ấy nay còn tìm thấy ở Vụng Nghè. Và khi phải dời cư đi nơi khác cùng với việc chuyển đình họ cũng đã chuyển nghè đi theo như một phần hương hoả của cả cộng đồng.

Ngôi nghè cũ được xây từ thời cư dân Cái Làng mới về lập cư ở Quan Lạn hiện nay không còn nữa. Theo di ngôn của một số bậc tiền bối thì nghè thờ Trần Khánh Dư xưa khá khang trang, được xây dựng theo kiểu chữ đinh, bốn góc có đao cong trên bờ nóc đắp nổi hình “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Nghè rộng 5 gian, có hậu cung thờ nhô ra ở phía sau. Gỗ để dựng nghè toàn bộ là gỗ lim. Về trang trí nội thất, trên các vì kèo, xà, cồn đều chạm trổ khá tinh xảo với các hình hoạ tiết như rồng, mây, hoa lá, long, li, quy, phượng, hổ v.v.. Nghè có đại tự và rất nhiều câu đối sơn son thiếp vàng treo ở các hàng cột. Trong hậu cung nghè có tượng Trần Khánh Dư toạ lạc trên ngai sơn son thiếp vàng, có bài vị, sắc phong của một số triều vua...

Xung quanh ngôi nghè xưa có tường xây bao quanh ba bề, phía trước có giá quan được bày đặt, trang trí thêm các hình rồng hổ…
Dulichgo
Khi ngôi nghè làng bị hư hại, các bậc bô lão đã rước bài vị, sắc phong của Đức Thánh về phối tự tại đình hoàng. Và mảnh đất xưa làm nghè thờ Trần Khánh Dư đã được dâng vào việc dựng trường học. Sau năm 1980, trước đòi hỏi bức thiết của cộng đồng cư dân làng đảo, chính quyền địa phương đã trả lại vị trí không gian của ngôi nghè cũ và thuận để nhân dân xây dựng một ngôi nghè mới. Nghè mới có quy mô 3 gian tiền tế ở phía trước; phía sau có nhô ra một hậu cung thờ.

< Không gian kiến trúc bên trong.

Nghè được xây dựng tương đối đơn giản với tường gạch, mái ngói, khung nhà bằng nhiều loại gỗ khác nhau lim, de… Các thành phần kiến trúc được bào trơn đóng búa không có trang trí. Sau khi nghè được khánh thành vào năm 1986 dân làng lại long trọng rước bài vị, sắc phong Đức Thánh về an toạ tại nghè. Hiện tại, phần ngoại thất của ngôi nghè đã được sửa sang lại rất nhiều.
Dulichgo
Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn đã được Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 575, ngày 14-7-1990.

Nghè, miếu, chùa và đình Quan Lạn có mối quan hệ gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Ở những vị trí đầu bến, cửa sông cửa biển, đầu núi, nơi trung tâm làng xã Quan Lạn đều có các công trình tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tư tưởng và tình cảm của người dân.

Đặc điểm của những công trình kiến trúc này phản ánh khá sâu sắc tư duy, tình cảm, lòng tôn kính những anh hùng có công với nước, bộc lộ thị hiếu thẩm mỹ của người Việt đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đám rước từ nghè về đình và lễ hội đua thuyền truyền thống ở Quan Lạn là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ nói trên...

Theo Nguyễn Quang Vinh (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét