(TTO) - Trong nhiều lịch trình Tây Bắc, Sơn La chưa bao giờ được chúng tôi đánh dấu là đích đến, lúc nào cũng là quãng thời gian của đêm muộn, sớm mai, để một ngày nhớ về, một Sơn La lặng lẽ nơi này đã được cất trong tim...
< Một góc nhà tù Sơn La.
Những buổi chiều không lời
Có nhiều buổi chiều như thế đã ngang qua cuộc đời, nhưng chiều trên sân bay Nà Sản im lìm và mơ mộng là buổi chiều đầu tiên mang đến cho tôi “cảm giác về Tây Bắc”. Đó là một cảm giác rất lạ lùng, nó cuốn con người ta dứt ra khỏi những âu lo muộn phiền trong cuộc sống riêng tư, nó khiến con người ta quên đi những cạnh tranh, bon chen, kèn cựa trong công việc, nó mang lại sự bình an, niềm vui âm ỉ, nỗi nhớ nhung mơ hồ.
< Một buổi chiều không lời ở Chiềng Đông.
Năm tháng qua đi với biết bao hành trình cuộc đời, nhưng màu chiều hổ phách trên đường băng um tùm cỏ dại hôm đó vẫn hiển hiện rực rỡ trong ký ức, với tiếng cười giòn tan trong trẻo của bạn đồng hành, ánh mắt ngạc nhiên đến ngờ vực của người dân địa phương khi thấy ba chiếc xe máy nhấp nhổm trên bờ ruộng, hỏi đường hướng về Sông Mã - Điện Biên Đông.
Hay buổi chiều không có hoàng hôn trên đất Chiềng Đông. Nắng tắt sớm trên những khoảng đồi lộng gió. Ở đâu sau những rậm rạp um tùm cây cỏ, có những cánh đồng trồng tỏi đã và đang làm nên thương hiệu cho nông sản đất này.
< Tỏi tía Chiềng Đông.
Chúng tôi dừng xe sà vào một lán hàng khá lớn, phía sau có mấy căn nhà quây quần. Không ít lần chạy xe trên đường 6, ngạc nhiên ngắm nhìn những lán tỏi xinh xinh cứ lùi lại dần sau lưng, nhưng trong đầu nghĩ về tỏi Lý Sơn kìa. Hôm nay, mới có dịp dừng lại, nhẩn nha ăn bắp ngô luộc, uống chén trà cũ và hỏi chuyện người Chiềng Đông.
Bà cụ người Thái tóc búi cao, đi quanh lán cầm hàng mời tôi: mua tỏi bó hay tỏi rời, còn mấy bắp ngô ăn nốt nhé, hay mua buồng chuối mới chặt sau nhà, hay mua giấm ớt về xuôi ăn dần khiến tôi bật cười. Nhiệt tình và mộc mạc, chân chất đến ngây thơ. Bà cụ đang phân tích “tỏi Chiềng Đông” khác với “tỏi Trung Quốc” cho bạn tôi. Giống tỏi ở vùng này có màu tía, củ nhỏ, nhiều nhánh, khó bóc, so với tỏi Trung Quốc hình thực đẹp, củ to, róc vỏ thì tỏi ta đúng là “bé hạt tiêu”.
< Chúng tôi đi “chấm” 21N104E - Sơn La.
Dulichgo
Tuy nhiên, tỏi ta lại có ưu điểm về hương thơm, tinh dầu, chất lượng hơn hẳn. Tỏi Chiềng Đông được tiêu thụ bởi phần lớn người dân địa phương ăn quen tỏi tía ta và khách qua đường mua làm quà, tuy giá có cao hơn nhưng đảm bảo chất lượng. Thật đấy, mua về treo bếp ăn dần!
Tôi hỏi bà, thế túm tỏi với tỏi rời thì khác nhau cái gì, bà cụ bảo, túm tỏi đẹp hơn thôi, còn ăn thì như nhau. Vài chiếc xe con đi qua chắc thấy vui dừng lại, cũng mua cho bà cụ 1-2 ký tỏi.
Tôi ngồi dưới hiên nhà, chăm chú nhìn vòi dẫn nước từ trên núi về đang đổ tràn chiếc chậu nhôm cũ, róc rách. Mấy chú gà con ríu rít đi băng qua vườn trở về chuồng. Ống điếu chơ vơ dưới nền, bên cột nhà, cạnh khay nước cáu cạnh và con chó vàng đang nằm ười lười biếng.
< Lũ nhóc bản Nà Un.
Chiều Chiềng Đông chầm chậm khuất sau đỉnh núi, sau những tầng cây lúp xúp. Tiếng những người phụ nữ Thái chuyện trò lích rích như tiếng chim, ghi thêm vào hành trang tôi một buổi chiều yên ả. Đã lâu lắm rồi, đêm nay mình sẽ ngủ lại Sơn La.
Chuyện cái chấm và giai điệu trầm bổng của những ân tình
Năm chúng tôi đi A pa chải, thì đám bạn ở nhà “tay không bắt giặc” với kiến thức về “chấm” gần như bằng không nhưng đã “đánh chiếm” cứ điểm 21N104E, trở thành nhóm đầu tiên chinh phục chấm này, tại địa phận bản Nà Un, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, Sơn La khiến có điều gì đó “vụn vỡ’ trong mối quan hệ của nhóm đi - nhóm ở.
< Nhà tù Sơn La ngày nay là một địa điểm du lịch được nhiều người tìm đến.
Dulichgo
Một năm sau đó, chúng tôi quyết định chinh phục lại chấm 21N104E nằm giữa rừng tre trên một sườn núi giáp biên giới Việt Lào. Lần này cũng lại xảy ra chuyện khi nhóm phân hóa thành hai đội, chấm và không chấm. Không khí nặng nề bao trùm suốt chặng đường từ cửa khẩu - đồn biên phòng Chiềng Khương về thủ phủ Sơn La chỉ thực sự vỡ òa khi một trong hai nhóm đưa ra quyết định, ngày mai sẽ lại quay lên bản để “đi chấm”.
“Ấn tượng Sơn La” với “dân mê chấm” chúng tôi thuở đó thật sự là ký ức đáng nhớ nhất về miền đất ở phía tây biên giới. Giai điệu trầm bổng của những ân tình đã khắc sâu vào ký ức, một thời tuổi trẻ, nồng nhiệt, say mê, với những chuyến đi tưởng chừng như ngày mai sẽ “tới ngày hội bắn”.
< Một đoàn khách đang chăm chú nghe giới thiệu của hướng dẫn viên ở di tích Nhà tù Sơn La.
Sau này, khi phong trào “đi chấm” xẹp xuống, thì ký ức về “cái chấm Sơn La” lúc nào cũng vẹn nguyên với muôn màu của cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố, mỗi khi nhắc đến lại khiến chúng tôi háo hức và ngậm ngùi.
Chấm: là một vị trí trên trái đất mà tại đó các đường kinh tuyến chẵn và vĩ tuyến chẵn giao với nhau, 21N104E có nghĩa là vĩ tuyến số 21 độ vĩ bắc cắt đường kinh tuyến 104 độ kinh đông.
Trở lại chốn này
Đó là lần đầu tiên tôi không vội vàng khi thức dậy trong một khách sạn nằm giữa lòng thành phố. Một buổi sáng mùa hè đầy nắng, trời xanh như rút ruột mà xanh, và dòng người đổ về di tích “Nhà tù Sơn La” đang đông dần lên, ai cũng muốn có một chuyến “về nguồn”.
Hiện ra trước mắt tôi là cây đào Tô Hiệu, giản dị như vô số cây đào khác của núi rừng Tây Bắc. Cây đào đã bước vào trang sách, bước ra từ trang thơ, sống mãi trong lịch sử, lặng lẽ tỏa bóng bên dấu tích của tường gạch đổ nát, dấu tích của một thời máu lửa.
< Cây đào Tô Hiệu trong nhà tù Sơn La.
Từng đoàn người bước vào đi dọc theo tuyến đường, vừa quan sát, vừa lắng nghe lời cô hướng dẫn viên ấm áp vang lên trên loa. Thật khó có thể tưởng tượng, dù tôi đang đứng đây, giữa nhà tù chính trị nổi tiếng của thực dân Pháp những năm trước cách mạng tháng 8-1945. Hàng nghìn chiến sỹ cách mạng đã bị giam cầm và cũng chính họ đã trở thành cán bộ cốt cán của Đảng và nhà nước Việt Nam sau này.
Đoàn người vào thăm nhà tù Sơn La ngày một đông, tôi tự mình nép vào sau chấn song khe cửa đã han gỉ vì thời gian và mưa nắng. Nhắc đến đặc sản Sơn La, là nhắc tới nhà tù Sơn La.
Hôm nay, mình đã thực sự đứng giữa những bức tường loang lổ, đã tự mình có được một Sơn La trọn vẹn, tuy rằng, vùng đất ấy nằm lặng lẽ trong tim.
Theo Băng Giang (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét