(Zing) - Gọi món có giá tiền cụ thể, tránh vào nhà hàng vướng tai tiếng, thuộc số điện thoại đường dây nóng tại địa phương… là những cách giúp mọi người có chuyến đi vui và ý nghĩa hơn.
Chuyện du khách bị “chặt chém”, ép giá tại các địa điểm du lịch được nhiều bạn đọc đánh giá giống như ăn cắp, cướp giật của người khác. Hành động này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành du lịch Việt Nam.
Trong mùa cao điểm du lịch 2015, dư luận liên tục chia sẻ bức xúc bởi nạn “chặt chém” ngày càng rõ rệt. Từ người bán hàng rong (trái dừa 100.000-200.000 đồng, xiên thịt nướng 50.000-100.000 đồng) đến người chạy xe ôm (cuốc xe gần triệu bạc), từ xích lô (vài triệu bạc cho 20 phút ngồi xe) đến chủ quán ăn, nhà hàng (“ảo thuật” cua lớn - nhỏ, sống - chết...).
Du khách luôn rơi vào tình trạng bị mai phục. Điều còn đọng lại sau mỗi chuyến đi thường là nỗi ám ảnh, sợ hãi thay vì niềm vui. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên, một số độc giả chia sẻ kinh nghiệm khi của bản thân.
Tìm hiểu thông tin về nơi sắp đến
< Hai bát phở giá 800.000 đồng khiến cư dân mạng dậy sóng.
Trước mỗi chuyến đi, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về địa phương, đất nước mình sắp đến để có kế hoạch chi tiết. Cụ thể, bạn sẽ nghỉ ngơi tại đâu, di chuyển ra sao, ăn uống các bữa chính và phụ như thế nào, giá cả tại đó đắt đỏ hay rẻ hơn so với nơi bạn đang sinh sống,… Từ đó, bạn sẽ chủ động hơn trong chuyên đi và không gặp phải phiền toái ngoài mong muốn.
Hiện nay, nhiều diễn đàn với chủ đề về du lịch đều có thông tin hữu ích dành cho bạn. Đây là cách bạn trở thành người du lịch thông minh, tránh những điểm thường làm giá, chặt chém khách hàng.
Chọn món trên thực đơn có giá niêm yết
Khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, bạn nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết cụ thể trước. Với những nơi không ghi rõ giá, bạn nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều.
< Hóa đơn tính tiền đội lên hơn gấp đôi khiến khách hàng bức xúc.
Những nơi làm ăn tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Nhiều nơi cố tình “lập lờ đánh lận con đen” sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước. Khách hàng kỹ tính hỏi, họ sẽ nói rõ giá. Còn khách dễ tính sẽ rơi vô trường hợp bị chặt chém.
Dulichgo
Ngoài ra, các bạn không nên tin tưởng vào hóa đơn của nhà hàng bởi sai sót luôn có thể xảy ra. Các chủ hàng tại các điểm du lịch thường có chiêu trò khác nhau để bàn ăn của bạn tăng thêm vài món, dù bạn không gọi. Vì vậy, bạn nên rà soát lại hóa đơn trước khi thanh toán.
Tránh nhà hàng, địa điểm vướng tai tiếng
Bạn đọc Thương Hoài cho rằng đa số thành phố du lịch hoặc khu du lịch đều có nơi bán đúng giá lẫn chặt chém. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi, cô khuyên mọi người nên dành thời gian lên các trang báo uy tín, mạng xã hội, diễn đàn du lịch để tham khảo những nhà hàng, quán tại điểm sắp đến từng vướng tai tiếng để tránh càng xa càng tốt.
< Con cua nặng “1,2 kg” và hóa đơn thành tiền 420.000 đồng tại Làng Chài (Nha Trang).
Các bạn hãy ghi chú những nhà hàng, quán, địa điểm cụ thể nào từng dính phốt chặt chém hoặc làm giá du khách để không gặp phải tình trạng như vậy.
Dulichgo
Đến những nơi được dân mạng đánh giá cao
Một kinh nghiệm bổ ích khác dành cho du khách để tránh tình trạng chặt chém là hãy chọn cửa hàng, quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ,… được cư dân mạng đánh giá cao.
Độc giả An Trần tiết lộ, đối với ẩm thực, cô luôn ghi chú cụ thể quán nằm trên đường nào, tên gì, giá tiền món nằm trong mức bao nhiêu… Đối với khách sạn, nhà nghỉ, cô nghe theo cư dân mạng là liên hệ trước để hỏi giá, tham khảo ý kiến của người dân địa phương, hoặc đặt qua những trang mạng uy tín chuyên về đặt phòng khách sạn giá tốt, chất lượng.
Đối với dịch vụ thuê xe tại địa phương, An cũng được cư dân mạng bật mí trả giá trước khi thuê. Giá xe máy tay ga, xe số hay xe đạp,… đều có mức riêng. Taxi là phương tiện được sử dụng khá nhiều tại các thành phố lớn và các khi du lịch. Tuy nhiên ngay cả khi chọn hãng taxi có tên tuổi, bạn vẫn nên nghiên cứu đường đi trên bản đồ trước khi lên xe.
“Chúng ta luôn phải chủ động hỏi giá để không bị chặt chém. Người cuối cùng quyết định có sử dụng dịch vụ hay không vẫn chính là du khách”, Thành Lập nhấn mạnh.
Không ngại mặc cả
Điều cần thiết khác khi bạn đi du lịch là không ngại mặc cả. Nhiều chủ quán đánh vào tâm lý ngại hỏi giá của khách, tăng giá tiền của sản phẩm, dịch vụ gấp nhiều lần so với thông thường.
Dulichgo
“Mặc cả là một nghệ thuật”, độc giả Ly Ly nói. Cô cho rằng, du khách là nam giới có thể ngại trả giá nên họ thường mua sản phẩm đắt hơn và người bán cũng không tiếc ra giá cao. Còn phụ nữ nên lưu ý để có thể đưa ra giá phù hợp để có thể sở hữu món đồ ưng ý. Ở một số nơi, bạn phải trả giá giảm 50-70% so với giá người bán, nhưng có nơi chỉ cần giảm 10-20%,... Nếu bạn không tinh ý sẽ rất dễ bị mua món hàng với giá "trên trời" và rơi vào cảm giác đang bị lừa.
Thuộc số điện thoại đường dây nóng
Phần lớn du khách khi bị chặt chém thường ngậm bồ hòn làm ngọt, hoặc tức quá về nhà viết blog xả giận bởi không muốn đôi co, cãi nhau tại nơi xa lạ. Thực tế, họ vẫn phải trả số tiền cao hơn so với giá thật cho người bán. Điều này khiến du khách thường xuyên bị chặt chém tại nhiều nơi hơn.
Để tránh tình trạng này, bạn nên ghi lại số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi bạn tới. Họ sẽ giúp bạn giải quyết nếu có tranh chấp, xô xát, đồng thời bảo vệ an toàn cho bạn.
Theo Nhật My (New Zing)
Du lịch, GO!
Bài về vấn nạn 'chặt chém' và cách phòng tránh có khá nhiều trong Dulichgo, bạn hãy dùng công cụ search với từ khóa 'Chặt chém'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét