Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Đền trên đảo Cặp Tiên

Đảo Cặp Tiên là hai hòn đảo với diện tích không lớn (chiều dài nhất chỉ tầm 1500m), nằm áng ngữ ngay Cửa Ông thuộc vùng Vịnh Bái Tử Long, kề cận Vịnh Hạ Long. Hai đảo được nối liền bằng 3 cây cầu có tên Vân Đồn 1, 2, 3; một phía chạy vào Cửa Ông, phía còn lại là xã Đông Xá.

< Cầu Vân Đồn nối đảo Cặp Tiên với đất liền.

Tuy chỉ là 2 hòn đảo nhỏ nhưng cây xanh bạt ngàn, trên đảo có đền Cặp Tiên nên đây trở thành một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng tại tỉnh Quảng Ninh.

< Đền chính với mái ngói cong vút.

Đền Cặp Tiên (hay còn gọi là đền Cô bé Cửa Suốt) là công trình tín ngưỡng dân gian được hình thành từ thời Nguyễn. Ngôi đền cổ thuộc địa bàn xã Đông Xá, huyện đảo Vân Đồn. Đền toạ lạc ở một vị trí đắc địa giữa một vùng sơn thuỷ hữu tình,“đầu tựa sơn, chân đạp thuỷ” cảnh đẹp thơ mộng, yên tĩnh.
Dulichgo
Theo truyền thuyết của ngư dân trong vùng, đền Cặp Tiên được xây dựng để thờ một vị Tiểu thư con gái Trần Quốc Tảng nên có tên gọi là đền “Cô bé Cửa Suốt”. Sau này, vào thời Nguyễn, một ông quan chánh đã được nhân dân trong vùng tôn làm Hậu thần và cũng được thờ tại đền nên còn gọi là “Đền Quan chánh”. Quan chánh đây là chánh cai bạ, một chức quan coi việc sông nước vào năm Gia Long thứ 3.

< Ban thờ chính.

Sau khi được triều đình cử về đây trông coi ở vùng này, ông đã làm được nhiều việc có ích cho dân, chăm lo đời sống nhân dân, giúp dân an cư lạc nghiệp và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, ông còn là người đứng ra góp công, góp của và huy động nhân dân trùng tu, sửa sang lại ngôi đền. Để ghi nhớ ơn đức của ông, sau khi ông qua đời, nhân dân đã phối thờ ông tại đền. (Hiện ở đền còn có 2 bài vị thờ có niên đại thời Nguyễn nhưng đã mờ hết chữ không đọc được…).

Đền Cặp Tiên là một công trình tín ngưỡng dân gian. Trải qua thời gian, ngôi đền đã bị hư hỏng khá nhiều nhưng hiện nay được trùng tu tôn tạo lại nên khá khang trang. Hiện nay khu vực đền Cặp Tiên gồm có ba công trình: Đền chính, Giếng Tiên và động Sơn Trang.

< Động Sơn Trang.

Đền chính Quay hướng Đông Bắc, kiến trúc chữ Đinh, gồm bái đường và hậu cung với tổng diện tích là 102m2. Kiến trúc vì kèo ở bái đường theo kiển chồng rường con nhị, cột cửa được làm bằng gỗ táu, trên các vì có treo các hoành phi, ở các cột có treo các câu đối, sân đền xây dựng phương đình, mái lợp ngói mũi hài, hai tầng tám mái, điểm mái ghép ngói lá đề, trong phương đình đặt bát hương công đồng lớn bằng đồng.
Dulichgo
Động Sơn Trang (căn cứ vào đồ thờ tự thì đây là nơi thờ mẫu theo tĩn ngưỡng dân gian) được chia làm hai phần như kiến trúc của đền. Phía ngoài bằng phẳng là nơi hành lễ, còn phía trong được đắp thành các dãy núi đá và đặt các pho tượng, phía trên bức tường ngăn giữa nơi làm lễ và động thờ treo bức hoành phi cuốn thư gồm bốn đại tự bằng chữ hán “Công đồng sơn trang” .

Tượng thờ bài trí khắp không gian hậu cung trong động, gồm tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tượng nhị vị vương bà và 12 cô Sơn trang, hai bên pho tượng cậu. Chính giữa động là bức hoành phi được tạo hình kiểu cuốn thư đề bốn chữ “Nữ động sơn trang’ .

Đến với khu di tích, ngoài tham quan, vãng cảnh hành lễ tại khu vực Đền chính và động Sơn trang, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua, đó là giếng Tiên, nằm trong khuôn viên của đền. Đây là một giếng nước ngọt nằm ngay bên bờ biển. Khi nước thuỷ triều lên, dù giếng có bị ngập nước mặn nhưng ngay sau đó lại ngọt trở lại. Quanh năm giếng không bao giờ hết nước. Bởi vậy, không chỉ nhân dân trong vùng mà cả những người đi biển đều rất quý giếng nước này.

< Khu vực Giếng Tiên.

Giếng Tiên còn liên quan đến câu chuyện truyền thuyết về hai vị tiên ông thường hay lui tới ngắm “non xanh nước biếc” phong cảnh bồng lai và chơi cờ giải trí. Đi theo phục vụ hai vị tiên ông là hai tiên nữ xinh đẹp. Hàng ngày hai vị tiên ông chơi cờ thì hai nàng tiên xuống giếng này lấy nước về đun uống cho hai vị tiên ông...

Tương truyền nếu ai dùng nước giếng Tiên, da sẽ trắng như các vị tiên và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Chính vì thế, khi đến tham quan khu di tích này, du khách là nữ thường không bỏ qua cơ hội dừng chân ghé vào giếng Tiên...

< Lễ hội tại đền Cặp Tiên.

Đền Cặp Tiên nằm trong quần thể đền Cửa Ông đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) cấp bằng di tích lịch sử năm 1989. Tuy không phải là một ngôi đền lớn, nhưng những năm gần đây, mỗi năm đền Cặp Tiên thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến hành lễ và tham quan.
Dulichgo
Để đến được đền Cặp Tiên, du khách có thể đi đường bộ theo Quốc lộ 18A, đến địa bàn phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) thì theo đường rẽ về phía huyện Vân Đồn. Từ đó, du khách chỉ mất khoảng 10 phút đi xe buýt hoặc xe ôm là tới đền Cặp Tiên...

Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét