Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Những lễ hội không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng

(ĐSPL) - Du khách có dịp đến Đà Nẵng không thể bỏ qua những lễ hội đã có truyền thống lâu đời. Đặc biệt trong năm nay, lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức lễ hội Ánh sáng với quy mô hoành tráng, du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng toàn thành phố Đà Nẵng sáng rực ánh đèn từ 20 - 23h trong 2 ngày 4 - 6/9.

1. Lễ hội ánh sáng

Lễ hội Ánh sáng sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong năm nay. Theo dự kiến, lễ hội Ánh sáng quốc tế Đà Nẵng (DILF) 2015 sẽ diễn ra tại vỉa hè bờ đông đường Bạch Đằng kéo dài từ cầu Rồng đến chợ Hàn, từ ngày 4-6/9 nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh.

Tại đây sẽ có khu vực ánh sáng, trình diễn nghệ thuật ánh sáng, trang trí đèn LED, trình diễn âm nhạc và ánh sáng, nghệ thuật ánh sáng tương tác, trình diễn ánh sáng đường phố, nhạc điện tử…
Điểm nhấn của lễ hội này là trình chiếu ánh sáng lên quả cầu khổng lồ, bóng đèn lớn mang hình dáng thiếu nữ Việt Nam, đèn LED hình pháo hoa, cổng vòm… cùng hiệu ứng ánh sáng dọc chiều dài không gian lễ hội.
Dulichgo
Bên cạnh đó còn có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao diễn ra trong suốt thời gian này như bắn pháo hoa trên sông Hàn, biểu diễn nghệ thuật đường phố, hóa trang, gala dinner… sẽ góp phần tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc cho Đà Nẵng. Dự kiến kinh phí để tổ chức sự kiện khoảng 60 tỷ đồng.
Lễ hội ánh sáng sẽ thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

2. Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng được tổ chức tại Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 2008. Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần và thu hút lượng lớn du khách đến Du Lịch Đà Nẵng.  Lễ hội diễn ra 2 ngày liên tiếp vào dịp tháng 3, kỷ niệm thành phố Đà Nẵng giải phóng, hoặc vào 30 tháng 4 và 1 tháng 5.

Lễ hội quy tụ các đội pháo hoa lớn trên thế giới tham gia. Xoay quanh lễ hội pháo hoa là các hoạt động khác kèm theo: Lễ hội ẩm thực, Đêm nhạc lớn, triễn lãm tranh…
Mỗi năm là một chủ đề biểu diễn riêng rất đặc sắc và ý nghĩa: Vào dịp này, cả thành phố Đà Nẵng rực rỡ sắc màu của pháo hoa, nô nức với các hoạt động văn hóa…

3. Lễ hội Quán Thế Âm

Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, thành phố Du Lịch Đà Nẵng. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1960, nhân ngày khánh thành tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm thuộc ngọn Thuỷ Sơn, phía Tây Ngũ Hành Sơn.

Hai năm sau, lễ hội được tổ chức nhân dịp khánh thành chùa Quan Âm ở động Quan Âm, là nơi phát hiện một khối thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm.

Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức trong một thời gian khá dài. Mãi đến ngày vía đức Phật bà Quan Thế Âm vào năm 1991 (19/2 năm Tân Mùi), Lễ hội Quán Thế Âm mới được khôi phục trở lại.

Lễ hội Quán Thế Âm là một lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống đẹp hơn. Hàng năm, cứ đến ngày 19/2 Âm lịch, lễ hội lại được tổ chức với một tầm vóc, quy mô ngày càng lớn và nội dung ngày càng phong phú hơn. Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày.

4. Lễ Hội Làng Túy Loan

Lễ hội Túy Loan nhằm ghi nhớ công lao khai thiên lập địa của tổ tiên, răn dạy con cháu về truyền thống của làng. Đến hẹn lại lên, trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 Tết (tức ngày 8 và ngày 9/2), lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khai mạc, thu hút đông đảo dân làng và du khách thập phương tham gia.

Làng cổ Tuý Loan đã có trên 500 năm tuổi,  đình làng cũng đã có trên 100 năm. Trải qua bao thăng trầm thời gian, đình Tuý Loan tuy không còn giữ được nguyên trạng nhưng vẫn còn vẻ uy nghi vốn có. Và hàng năm, vào ngày mồng 9 Tết, dân hai thôn Đông, Tây của làng cùng khách thập phương lại tập trung tại đây để mở hội. Lễ hội làng Tuý Loan thường diễn ra trong hai ngày. Nếu du khách đi Du Lịch Đà Nẵng vào dịp lễ hội thì sẽ có cơ hội được tham gia vào hoạt động của buổi lễ.
Dulichgo
Tham dự lễ hội đình làng Tuý Loan chính là một dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ngay trên mảnh đất quê hương mình.

5. Lễ hội làng Hòa Mỹ

Lễ hội đình làng diễn ra hàng năm vào ngày 12/01 âm lịch nhằm nhắc nhở tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong con cháu các tộc họ, kiểm điểm những việc đã làm được trong một năm và định hướng những việc sẽ thực hiện trong năm đến. Do hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn một tới gian dài, mãi đến năm 1994 mới được khôi phục trở lại.

Khách du lịch có dịp ghé qua Đà Nẵng, vào những ngày này chắc chắn không nên bỏ qua lễ hội làng Hòa Mỹ. Đây là dịp để du khách tích lũy thêm vốn kiến thức về văn hóa, lịch sử, con người nơi đây.

6. Lễ hội làng An Hải

Lễ hội đình làng An Hải được tổ chức vào ngày thu tế hàng năm, 10/8 âm lịch, Làng An Hải ngày trước thuộc xã An Phúc, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Du Lịch Đà Nẵng.

Lễ hội đình làng An Hải nhắc nhở mọi người luôn tự hào về một quá khứ hiển linh, dù trải qua bao năm tháng, tên đất - tên làng vẫn còn vang vọng những hồi quang oanh liệt không chỉ của một thành phố mà còn của cả một dân tộc. Năm 2000, lễ hội đình làng An Hải được khôi phục, nhắc nhở mọi ngườì quay về một thời hào hùng ấy.

7. Lễ Hội Rước Mục Đồng

Từ hạ tuần tháng ba âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất là lúc các công việc sắp đặt cho lễ hội bắt đầu. Chiều 29/3 âm lịch làm lễ dạo đồng. Đây là lúc con cháu sinh sống ở các nơi xa kèo về đông đủ. Mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng tỏ ý cầu cho được mùa. Sáng ngày 30, chính thức diễn ra lễ rước. Lễ bắt đầu vào sáng tinh mơ ngay giữa đình thần.
Dulichgo
Lễ rước Mục Đồng - lễ hội dành cho trẻ chăn trâu - ngày xưa được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

8. Lễ Hội Cầu Ngư

Ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa.

Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Lễ hội Cầu ngư bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả. Du khách sẽ có dịp được tận mắt chứng kiến nét đẹp văn hóa nơi đây qua lễ hội Cầu Ngư.

Theo Mỹ An (Đời Sống Pháp Luật)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét