(BQN) - Thời Lê trung hưng, xuất hiện địa danh Chương Nghĩa. Đây là một huyện nằm trong địa bàn phủ Tư Nghĩa, bao gồm huyện Tư Nghĩa và phần đất nằm phía tây bắc sông Vệ của huyện Nghĩa Hành. Chương là sáng rỡ, rực rỡ; rõ rệt, rõ ràng; Nghĩa là nghĩa khí.
Năm 1890 (Thành Thái năm thứ 2), huyện Chương Nghĩa đổi thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời vùng đất phía tây bắc sông Vệ hình thành châu Nghĩa Hành (chữ Nghĩa trong địa danh Nghĩa Hành chính là lấy từ chữ Tư Nghĩa). Phủ Tư Nghĩa lúc này có 5 tổng với 67 xã thôn, bao gồm cả vùng đất ngày nay là thành phố Quảng Ngãi.
Cách đây chừng 3, 4 thập kỷ trở về trước, nhiều bậc cao niên thường gọi huyện Tư Nghĩa ngày nay là huyện Chương Nghĩa, vì quen theo cách gọi đã có lịch sử mấy trăm năm, tính đến thời điểm 1890. Nhưng còn có một điều ít ai lưu ý, kể cả những người biên soạn địa chí Quảng Ngãi, đó là việc xuất hiện địa danh Chương Nghĩa một lần nữa vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX ở Quảng Ngãi, cũng với tư cách là một địa danh hành chính cấp quận, huyện. Đó là huyện Chương Nghĩa, nay thuộc địa bàn huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
< Thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.
Dulichgo
Sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết, chính quyền Sài Gòn tiếp quản Kon Tum. Cuối tháng 6.1958, bộ máy hành chính cấp tỉnh được xác lập, bên dưới gồm các quận Kon Tum, Đăk Tô, Konplong và Đăk Sút. Cũng vào năm này quận Toumơrông (Tou Mrong) được thành lập. Một năm sau, thành lập thêm quận Chương Nghĩa theo Sắc lệnh số 234-NV ngày 9.9.1959. Năm 1960, quận Konplong bị xóa bỏ. Như vậy, thực tế quận Toumơrông và quận Chương Nghĩa chiếm gần trọn diện tích của quận Konplong trước đó. Một phần đất còn lại của quận Konplong không thuộc phạm vi của hai quận mới này được sáp nhập về quận Kon Tum.
Năm 1961, quận Chương Nghĩa bao gồm phần đất phía đông sông Đăk Nghé, giáp với Ba Tơ (Quảng Ngãi) được cắt về tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Kon Tum còn lại 4 đơn vị hành chính cấp quận: Kon Tum, Đăk Tô, Đăk Sút, Toumơrông. Đến ngày 19.12.1964, quận Chương Nghĩa lại được chuyển giao trở lại cho tỉnh Kon Tum.
< Trên QL1A qua huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Sau năm 1965, phân cấp hành chính của chính quyền Sài Gòn tại Kon Tum lại tiếp tục có sự thay đổi. Đối với khu vực thị xã, thị trấn đông dân, vẫn giữ nguyên cấp quận; những nơi xa xôi, ít dân cư hơn, thì giảm cấp “quận” đồng thời cắt đặt phái viên hành chính để cai quản.
Dulichgo
Năm 1970, bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn ở Kon Tum ngoài tòa hành chính và các ty, sở ở tỉnh, bên dưới có các cấp sau: Quận Kon Tum, quận Đăk Tô, phái viên hành chính Đăk Sút, phái viên hành chính Măng Buk, phái viên hành chính Chương Nghĩa.
Giao thoa hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum cả về phía chính quyền Sài Gòn và phía Cách mạng là một vấn đề mà những người biên soạn phần địa lý hành chính của bộ Địa chí Quảng Ngãi 2007 tuyệt nhiên không đề cập đến, và đây là một thiếu sót nhất thiết phải kịp điều chỉnh.
< Ruộng bậc thang ở xã Hiếu (Kon Plong, Kon Tum).
Chúng ta biết, xã Hiếu và xã Pờ Ê là 2 trong số 8 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Xã Pờ E được thành lập năm 1996 trên cơ sở chia tách một phần diện tích và cư dân của xã Hiếu. “Hiếu” là tên của một người gốc ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Ông từ quê nhà lên vùng núi rừng Kon Tum khai phá rừng hoang, lũng vắng, mở ruộng lập làng. Khi quân Pháp kéo đến chiếm nương, phá rẫy, ông Hiếu cùng bà con người Mơ - mâm tổ chức kháng chiến và đã anh dũng hy sinh.
Người Mơ- nâm nhớ ơn ông, gọi vùng đất mình sống là “Đất của Hiếu”, từ đó mà thành tên xã Hiếu. Mồ mả ông Hiếu hiện chưa tìm thấy, cũng không ai nhớ nổi họ của ông là gì. Hình hài con người huyền thoại ấy đã hoà vào đất đai, cây cỏ, còn tên ông thì mãi mãi khắc sâu vào gió núi, mưa ngàn, lắng vào tâm khảm người đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh ở cả 2 miền quê Kon Tum, Quảng Ngãi.
Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét