Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Đình Vĩnh Ninh - Hà Nội

Đình Vĩnh Ninh thuộc thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đình thờ Bà Tía, nữ tướng của Hai Bà Trưng, làm thành hoàng cùng với ông Rắn và ông Đất. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1989). Tọa độ: 20.934039N 105.828247E. Điểm dừng xe bus gần nhất: ngã ba Lạc Thị (xe 12), hoặc ngã ba đường Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi (xe 06, 08, 12, 37).

Từ ngã ba đường Phan Trọng Tuệ—Ngọc Hồi du khách đi về hướng tây gần 200m rồi rẽ trái men theo sông Tô Lịch qua làng Quỳnh Đô về hướng tây-nam khoảng 800m lại rẽ phải đi tiếp gần 1km sẽ đến đích. Nếu lên xe bus số 12 thì còn có thể xuống ở ngã ba Lạc Thị rồi đi về hướng tây-bắc chừng hơn 1km thì cũng đến nơi.

Lược sử

Tương truyền, làng Vĩnh Ninh có từ thời các vua Hùng. Khai quật di chỉ khảo cổ học Chùa Thông ngay sát làng đã phát lộ nhiều cổ vật mang niên đại cách đây 2400 năm. Theo thần phả trong đình thì vào thời Hùng Vương thứ sáu, dân làng đã theo Xà Công (Ông Rắn) và Bạch Công (Ông Đất) đánh giặc Ma Lôi và Xích Tỵ (giặc Mũi Đỏ). Cả hai vị được dân làng thờ làm thành hoàng. Đình Vĩnh Ninh còn thờ Nàng Tía, một nữ tướng của Hai Bà Trưng [1]
Dulichgo
Làng Vĩnh Ninh vào thời Lê gọi là Kẻ Đặng, tên chữ là trang Vĩnh Hưng Đặng. Đầu thời Nguyễn, nơi đây thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1831 nhập vào tỉnh Hà Nội. Thời Pháp thuộc, năm 1904 lại cắt về tỉnh Hà Đông. Từ 1968 làng thuộc xã Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Cách Vĩnh Ninh chừng 2km về phía đông-nam có ngôi làng Ngọc Hồi nổi tiếng – nơi vua Quang Trung đích thân chỉ huy quân Tây Sơn tiêu diệt giặc Thanh vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789.

Vĩnh Ninh là quê hương của trung tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội năm 1946, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910, mất năm 1980.

Năm 1926 làng có 1645 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Bước sang thế kỷ 21 cả xã đang đô thị hóa mạnh, dân số tăng rất nhanh, chỗ nào cũng họp chợ, việc bảo tồn văn hóa truyền thống thật không dễ dàng.

Kiến trúc

Đình làng Vĩnh Ninh nhìn về một cái hồ hình chữ nhật khá rộng ở hướng đông-bắc, được coi là thế đất đẹp. Trước đình có một sân gạch to kéo dài tới tận con đường làng chạy ven hồ. Sân này mới được tôn cao, làm cho hai cổng bên bị hạ thấp đến mức người lớn phải cúi đầu mới qua được và các phù điêu bị chìm xuống đất đến một nửa.
Dulichgo
Tam quan xây kiểu nghi môn với hai trụ biểu làm cổng chính ở giữa hai cổng bên, phía trước có bình phong đơn giản. Sau cổng chính là một phương đình xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, hai bên là sân tả, hữu mạc. Tòa đại bái rộng năm gian hai dĩ, bên trong có những hàng cột lim to kê trên đá tảng chạm hoa sen. Hậu cung ba gian kết nối với đại bái theo hình chuôi vồ.

Di vật

Trong đình Vĩnh Ninh hiện có khá nhiều hiện vật có giá trị. Đáng quý nhất là còn lưu giữ được một cuốn ngọc phả và 23 sắc phong, gồm từ niên hiệu Cảnh Hưng (cuối thế kỷ 18) đến Duy Tân (đầu TK 20), đặc biệt trong đó có một đạo sắc ghi niên đại Cảnh Thịnh (1793-1801) của triều Tây Sơn.

Các đầu kẻ, bức cốn đều là những tác phẩm điêu khắc mang phong cách dân gian. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các vật liệu gỗ, gạch đã bị thời gian làm cho cũ nát và hư hỏng. Nhân dân Vĩnh Ninh đang phải kêu gọi quyên góp tiền của để trùng tu đình.

Di tích lân cận

- Chùa Hưng Long: thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh;
- Chùa Phúc Long: thôn Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh;
- Đình Quỳnh Đô: thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh.

[1] Thần tích kể rằng: Bà mẹ là người làng này, mộng thấy được thần tặng hoa sen mà có thai rồi sinh ra nàng. Cha mẹ mất sớm, nàng Tía ở với bà cô, lớn lên dung mạo xinh đẹp lại có tài võ nghệ. Sau khi đánh đuổi Tô Định về Trung Quốc, có lần Hai Bà Trưng qua làng, tình cờ gặp nàng Tía đang múc nước bên giếng bèn hỏi chuyện.
Dulichgo
Cảm mến tài trí, vua Bà đưa nàng về triều và phong làm tướng huấn luyện nữ binh. Năm 43 thời đầu Công nguyên, Mã Viện dẫn quân Hán sang đàn áp khởi nghĩa, nàng Tía đã tham dự nhiều trận. Cả đến khi nghe tin Hai Bà đã tự vẫn, nàng vẫn chỉ huy một toán quân chống cự địch ở cửa Thần Phù. Rồi giữa sóng to gió cả, mưa kéo đen trời đất, nàng Tía đã hóa thân đi vào cõi bất diệt; sau được dân làng thờ làm thành hoàng cùng với ông Rắn và ông Đất.

Theo Đông Tỉnh (VNTimes)
Ảnh internet
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét