Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Biển này là của ta, đảo này là của ta

(TPO) - Tầm này tháng trước tôi đang lênh đênh trên con tàu Trường Sa bắt đầu hải trình lần đầu chạm tới dải đất thiêng liêng giữa khơi xa, để thấy rõ Trường Sa-Hoàng Sa là dải đất máu thịt không thể tách rời.

Là nhà báo nữ duy nhất được cơ quan cử công tác Trường Sa trong năm, nhiều đồng nghiệp nhìn tôi ái ngại vì sức vóc nhỏ bé và dự báo những cơn say sóng lử lả. Mà lử đử thật, dù được xem là thời điểm đi biển khá thuận lợi, tôi và nhiều chị em khác không gượng dậy được sau một ngày ra khơi.
May mắn thay tôi không phải chịu đựng cảm giác này quá lâu. Đặt bước chân đầu tiên lên đảo Song Tử Tây sau hai ngày rẽ sóng, cảm giác vẫn dừng ở mức bình thường.

< Đảo Đá Nam.

Tôi còn nói với nhạc sỹ Đỗ Bảo đi cùng chuyến tàu 571 rằng không đặt nặng kỳ vọng. Nhưng chiều hôm đó cập xuồng vào đảo chìm Đá Nam, mọi giác quan thay đổi bất ngờ. Leo lên vọng gác, đưa mắt thấy bốn bề mênh mông bao trọn đảo nhỏ, thấy màu nắng in dấu gương mặt chiến sỹ hải quân trẻ đứng gác, bất chợt tôi nắm chặt tay ép lên tim mình.
Dulichgo
Huy Gơ, Gạc Ma-những cái tên thiêng liêng vang lên khi tàu đi ngang hai khu vực mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Dù người lả dần vì nắng gió và say sóng, sức mạnh nào đó khiến tôi bật dậy tắp lự cầm theo máy ảnh lên mạn tàu, rồi chạy như bay lên cabin. Có lúc mượn ống nhòm của thuyền trưởng nhìn từ tàu khi qua Huy Gơ, hoặc đến đảo Sinh Tồn và tôi lên hải đăng để có thể thấy qua kính viễn vọng phần đất chủ quyền máu thịt bị chia cắt. Nhìn những tòa nhà đồ sộ xây trái phép trên mảnh đất chủ quyền của ta, bàn tay tôi nắm chặt, tim nghẹn lại. Đau xót. Tôi tin cảm giác đó không chỉ riêng mình.

Thời điểm này năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, những đồng nghiệp của tôi lao ra điểm nóng đương đầu với đâm, va, vòi rồng. Cả nước sôi sục hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, tôi chỉ có thể nghe, ghi nhận tình cảm hướng về chủ quyền ở các triển lãm, hoạt động của giới văn nghệ sỹ. Dẫu thế vẫn khó mà cảm nhận hết những cảm xúc chuyển tải qua từng câu chữ đồng nghiệp gửi về từ điểm nóng, cho tới ngày tôi lặng người, nghiêm trang bên từng cột mốc chủ quyền ở 10 đảo tôi đến. “Biển này là của ta, đảo này là của ta”, câu hát tôi nghe hàng chục lần trong suốt hành trình Trường Sa, đúng một cách giản dị.
Dulichgo
Hôm tàu cập cảng Trường Sa, giữa buổi gặp gỡ đông vui rộn tiếng hát, còi báo động vang lên lập tức các chiến sỹ rầm rập vào vị trí. Máy bay lạ cách đảo vài chục hải lý. Đấy chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng tôi được chứng kiến. Những người lính hải quân bồng súng canh gác trên vọng gác trò chuyện với chúng tôi. Nhắc đến người thân ánh nhìn lấp lánh, nhưng mắt họ không rời hướng biển.

< Nhà báo Toan Toan và GS Nguyễn Quang Ngọc - người nghiên cứu và tuyên truyền chủ quyền biển đảo - tại quần đảo Trường Sa.

Hẳn phải có tinh thần thép âm ỉ cháy trong tim từng giây phút, cho họ sức mạnh trụ lại giữa bốn bề sóng gió, bão táp. Những gian khó tôi thấy được có lẽ chưa đủ hiểu hết cuộc sống nơi đảo xa. Câu chuyện tôi nghe, mắt thấy cách người lính hải quân quan tâm đồng đội ngày ngày giữ đảo, hoặc người đồng đội trẻ đã xa cùng sóng nước, tôi tin ở từng tấc đất, mét nước này không có chỗ cho tị hiềm, bon chen nhỏ bé. Và mỗi chuyến tàu ra đảo, lại chở theo về những cảm xúc trọn vẹn và linh thiêng hai tiếng Việt Nam.

Theo Tiền Phong
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét