(TCDL) - Đi dưới tiết trời se se lạnh hòa trong nắng ủ mật của cao nguyên xanh Đà Lạt, lòng người chợt thấy bâng khuâng bởi màu tím biếc của hoa phượng bịn rịn khoe sắc. Cảnh sắc Đà Lạt dịu dàng như cô gái đang yêu trước màu tím biêng biếc ấy…
Tháng Ba, mùa phượng tím
Đà Lạt hiện hữu hàng trăm ngàn loài hoa, giống hoa quý, hoa đẹp của hầu hết các châu lục trên thế giới "bén duyên" đất này. Suốt bốn mùa, trên "thành phố ngàn hoa" này, hoa tươi đua nhau nở thắm góp phần tô điểm đời sống tinh thần của người dân phố núi thêm thi vị. Song, với cư dân bản địa, ngoài bốn mùa hoa ấy, có những loài hoa được mệnh danh "hoa báo mùa"; hễ khi nào thấy một loài hoa đua nhau nở rộ, khoe sắc, người ta biết Đà Lạt đang vào mùa gì trong năm...
Ví như, khi thấy trên các sườn đồi, dốc vắng... vàng rực hoa Dã Quỳ, người ta biết mùa Đông tàn và mùa nắng Tây Nguyên đã về. Hoặc khi thấy Mai Anh Đào chấp chới sắc hồng phai dưới nắng, người ta biết ngay rằng mùa Xuân đang đến.
Rồi nữa, khi trên các mái phố, hiên nhà, trên những con đường quanh co sạch, đẹp... biêng biếc sắc hoa Phượng tím, cư dân bản địa nhận biết Đà Lạt đã sang xuân! Thực ra, phượng tím bắt đầu ươm nụ từ cuối mùa Đông năm trước để rồi lặng lẽ đơm hoa, khoe sắc cho đến hết mùa Xuân năm sau. Đặc biệt, tháng Ba là thời điểm hoa phượng tím nỏ rộ xao xuyến lòng ngưởi; đây cũng là thời điểm đất trời Đà Lạt đẹp nhất trong năm - mùa nắng cao nguyên, mùa du lịch Đà Lạt!
Dulichgo
Những tưởng, du khách khi đặt chân đến Đà Lạt-thiên đường hoa - sẽ bị hàng trăm ngàn loài hoa đẹp, quý phái "choáng ngợp" thì không còn quan tâm gì đến một loài hoa tím buồn khiêm tốn nép mình bên góc phố chênh chao hay lặng thầm đứng bên những con đường dốc núi quanh co; nhưng thực ra, không phải vậy! Tình yêu của con người dành cho từng loài hoa cũng tùy thuộc vào sở thích, tình yêu và niềm đam mê "cá tính" của từng giới, từng người. Vì sao những loài hoa dại như Forget me not (Lưu Ly), Thạch Thảo, Dã Quỳ, Loa Kèn, Tường Vi... thường được giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ yêu thích và dành nhiều tình cảm nhất?
Tôi có mấy người bạn ngày xưa học cùng Khoa Ngữ văn của trường Đại học Đà Lạt, giờ công tác trong các ngành nghề khác nhau: nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo ở các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Binh Định, Phú Yên, Ninh Thuận... đều ao ước sẽ có một ngày về lại Đà Lạt đúng vào mùa hoa Dã Quỳ, hoặc mùa hoa Phượng tím nở, để được thỏa thích ngắm hoa và hồi ức về một khoảng thời gian đẹp nhất đời người đã đi qua. Có người (đọc báo) hay tin cây Phượng tím trước nhà hàng Thủy Tạ bị gió bật gốc, người ta phải chặt đi, mà tiếc thương như đã mất một người thân!
Dulichgo
Mùa xuân năm trước, tôi phải còng lưng suốt mấy ngày trên "con ngựa sắt" để đưa anh bạn thân đi khắpcác ngõ ngách của Đà Lạt để ngắm và chụp hình những cây Phượng tím đang nở hoa. Có thể với sắc màu tím biếc của loài hoa này đã gợi cho con người ta nhớ về những kỷ niệm vui buồn, những hồi ức tươi nguyên...
"Từ đâu em tới đất này"
Mỗi loài hoa, giống hoa (bắt luận có nguồn gốc từ đâu) một khi đã "bén duyên" trên vùng đất sương mờ Đà Lạt dường như đều gắn với những huyền thoại, hay những câu chuyện tình lãng mạn và khá thi vị.Thật thiếu sót nếu chúng ta yêu hoa phượng tím Đà Lạt mà không biết loài hoa này có nguồn gốc từ đâu, hay “từ đâu em tới đất này"!
Theo tài liệu, Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia, cánh hoa có màu lam tím dịu dàng; Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được mang sang trồng ở một số nưốc châu Âu; thường được trồng để làm đẹp đường phố, công viên.
Năm 1962, Kỹ sư nông học Lương Văn Sáu (sinh năm 1942), tốt nghiệp Truờng"Canh nông ỏ Versailles (Pháp) thấy hoa đẹp và lạ nên ông đã mang hạt giống loài hoa này về Đà Lạt. Ông là người đầu tiên đã gieo ươm được một số cây con Phượng tím (Jacaranda) và trồng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước chợ Đà Lạt ngày nay). Nhưng loài hoa này rất khó trồng nên chỉ có một cây duy nhất sống sót và đó là cây Phượng tím đầu tiên của Đà Lạt.
Dulichgo
Phượng tím ra hoa, nhưng không đậu quả, nên kỹ sư Sáu phải chiết một số cành từ cây Phượng tím độc nhất này để trồng trước nhà hàng Thủy Tạ và tại Vườn hoa thành phố nhưng cũng chỉ có một cây ở Thủy Tạ sống và có hoa. Phượng tím có lá dạng lá kép như Phượng vĩ của Việt Nam; hoa cũng mọc thành chùm nhưng dáng hoa không giống Phượng vĩ mà có hình ống phủ lông tơ, dài từ 4-5cm. Bởi có nét khá giống Phượng vĩ nên tên hoa được "Việt hóa" thành Phượng tím từ đó cho đến tận bây giờ.
Bằng tình yêu loài "hoa lạ" mà mình đã cất công mang về ươm giống, bén rễ trên vùng đất quê hương, người "cha đầu tiên" này đã lặng lẽ hơn chục năm nghiên cứu, tìm tòi đặc tính sinh trưởng của Phượng tím để nhân giống. Cuối cùng, vào năm 1994, ông đã tìm ra một loại hóa chất (từ Pháp) kích thích việc mọc rễ trong quá trình chiết cành nhân giống... Phượng tím; đồng thời đúc kết kinh nghiệm chăm sóc cây con để tránh một số bệnh do ký sinh nhằm nâng cao tỷ lệ cây sống. Sau đó, một số cán bộ Vườn hoa thành phố và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã tham gia chiết, ghép được vài trăm cây Phượng tím trồng rộng rãi.
Đến những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, một số cơ quan nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt nhân giống thành công loài Phượng tím bằng phương pháp nhân giống vô tính. Từ đó, Phượng tím được trồng ra nhiều nơi, chủ yếu trên địa bàn TP. Đà Lạt, để bây giờ Đà Lạt có thêm một loài hoa đẹp lưu luyến du khách mỗi khi tháng Ba về trên thành phố mờ sương.
Theo Thanh Dương Hồng (Tạp Chí Du Lịch)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét