(VOV5) - Đến Điện Biên, ai tới lần đầu sẽ ngạc nhiên bởi mảnh đất này còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở đây. Từ trang phục, nhà ở cho đến nếp sinh hoạt, nghi lễ. Nhưng nói đến người Thái không thể không nhắc tới nghệ thuật ẩm thực. Sự khéo léo, đảm đang, tinh tế của người phụ nữ Thái được thể hiện qua các món ăn truyền thống.
Trong lần công tác tại huyện Mường Lay, nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Thái trắng, chúng tôi được thưởng thức bữa cơm với những món ăn đặc trưng của gia đình chị Hoàng Thị Hằng, xã Lay Nưa. Một mình chị vào bếp với hơn chục món ăn được bày biện đẹp mắt trên bàn khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Chị Hằng cho biết người phụ nữ Thái có thể chế biến bất kỳ món gì với tất cả những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như quả cà dại, lá đắng, rêu suối: Thứ nhất theo mùa và thứ hai cách chế biến. Cũng món đó nhưng mình chế biến như thế nào cho hợp lý. Món nào cũng chế biến làm rất kỳ công.
< Thịt lợn xay hấp trong lá chuối.
Để nấu hơn chục món ăn đặc trưng của người Thái, chị Hằng phải chuẩn bị cả buổi. Chị bảo mùa nào thức đó nên các món ăn cũng đa dạng hơn.
Mỗi món có hương vị đặc trưng riêng và còn hấp dẫn hơn bởi cách chế biến cầu kỳ, lạ mắt. Đặc trưng nhất là món nướng bởi hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng. Các loại thịt gia súc, gia cầm hay thuỷ sản đều có thể nướng nhưng gây ấn tượng lạ nhất có lẽ là món rêu nướng. Mùa này rêu ngon nhất bởi nước suối chảy siết khiến rêu xanh mướt như nhung.
< Hái rêu suối.
Sau khi làm sạch người Thái thường trộn hạt dổi, hạt mắc khén, là những gia vị được lấy từ rừng cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt túm lại hai đầu, rồi treo lên thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa cũng không hơ khói.
Dulichgo
Khi ăn, mở gói lá dong, mùi mắc khén và mấy chục thứ gia vị càng ngạt ngào, món rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Gắp miếng rêu thả vào miệng, nhấp một chút rượu, một cảm giác lạ lùng dễ chịu lan tỏa khắp người, khó quên.
< Vịt om hoa chuối.
Trên mâm cơm chị Hằng nấu chiêu đãi người miền xuôi, có đến 3 món được gói trong lá dong, lá chuối. Đây cũng là đặc trưng riêng của người Thái. Lý giải về điều này, anh Khoàng Văn Tiến, xã Lay Nưa, cho biết ngày xưa người Thái sống trên vùng cao, dụng cụ để nấu nướng chưa có nhiều và phong phú như ngày nay nên thường dùng lá để nấu. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đến giờ dù cuộc sống đã đổi thay, phát triển thì người Thái vẫn không quên được văn hóa cội nguồn đó. Họ vẫn thường dùng lá để gói thức ăn khi nấu. Còn các nguyên liệu thì đểu có sẵn và được người phụ nữ chế biến rất linh hoạt:
Món ăn của người Thái rất phong phú nhưng cũng xuất phát từ cái nghèo. Như hôm nay đi nương về tôi hái được mấy cái lá nhưng cái lá đó nấu như thế nào cũng trở thành món ăn. Hay hôm nay ra suối bắt cá nhưng không bắt được đành phải vặt ít rong rêu đá về chế biến. Hoặc ra ngoài ruộng bắt con lươn nhưng lại bắt được con cua, con ếch về lại chế thành món.
Dulichgo
Chị Hằng chỉ vào món vịt cho biết nhìn món ăn này tuy màu sắc không được đẹp nhưng nếm thử sẽ thấy ngay cái vị đặc trưng không đâu có. Quả đúng như lời giới thiệu, mới chỉ ngửi mùi thôi đã thấy đặc biệt, mùi hơi cay nồng nhưng khi đưa vào miệng vị ngọt, cay, bùi lan tỏa khiến ai cũng phải tấm tắc khen. Chị Hằng giới thiệu: Món này gọi là vịt om hoa chuối. Cái đó phải đồ lâu khoảng 3 tiếng, om lửa nhỏ. Nó rất nhiều gia vị ở trong như ớt, gừng, xả, bột gà, mắc khén...
< Mâm cơm đãi khách của người Thái.
Rồi món thịt lợn băm nhỏ trộn với gia vị được bọc bằng lá chuối cũng thực sự thú vị. Thịt lợn, loại nguyên liệu ở vùng miền nào cũng có và nó là món ăn chủ đạo trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, món thịt băm bọc lá chuối lại mang đến cho người ăn cảm giác lạ, ít ở đâu có. Món này cũng hấp cách thủy hơn 1 tiếng đồng hồ nên thịt mềm dính chặt, quyện vào nhau, mùi thơm của thịt quyện với mùi thơm của lá chuối, của hạt tiêu càng làm hương vị trở nên đặc biệt.
< Làm bánh Khảu Sén.
Món bánh Khảu Sén của người Thái cũng thật đặc biệt. Nhìn chiếc bánh mỏng, rán lên có màu vành nhạt, khi ăn thì ròn tan mới thấy hết được sự khéo léo của người phụ nữ. Chị Hằng bảo đây là món bánh cổ truyền của người Thái và cách làm cũng rất cầu kỳ: Thường một năm tết nguyên đán làm một lần nhưng bây giờ hiện đại thì làm nhiều. Chọn sắn bở và lấy phần ngọn vì non không sơ. Nạo sắn ra rồi đồ lên, giã và làm thành miếng rồi phơi nắng. Khô rồi thì mình mới cắt theo hình thù mình thích.
Dulichgo
Trong bữa ăn hàng ngày của người Thái không thể thiếu món xôi nếp. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Khi nhà có khách để làm món xôi thêm hấp dẫn người Thái thường trộn với các loại lá để xôi có màu tự nhiên rất đẹp như màu tím, màu vàng.
Thưởng thức một bữa cơm với người Thái ở Mường Lay mới thấy hết cái tài, cái khéo của người phụ nữ nơi đây. Mỗi món trên mâm mang một hương vị riêng đem lại cho người thưởng thức đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Với nguyên liệu dân dã, nhưng với bàn tay sáng tạo, người phụ nữ Thái đã tạo nên một nền ẩm thực khác biệt, mang dấu ấn rất riêng của dân tộc Thái ở Điện Biên.
Theo Lan Anh (VOV5)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét